Chiều 17/5, Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy định mới về dạy thêm, học thêm (DTHT). Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Vũ Đình Chuẩn, quy định có nhiều điểm mới như: Hạn chế việc học sinh đi học thêm mới được điểm cao; nghiêm cấm cắt xén chương trình để dạy thêm; Dạy trước chương trình...Quy định mới ban hành không cấm dạy thêm mà chỉ cấm dạy thêm sai quy định
So với dự thảo, thông tư ban hành Bộ GD-ĐT đã tiếp thu các ý kiến bỏ một số quy định cụ thể về số tiết/ tuần; bỏ quy định thu thuế...
Dạy thêm thu tiền phải có giấy phép
TS Vũ Đình Chuẩn cho biết: Nguyên tắc DTHT có thu tiền phải tuân thủ các quy định: Góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh, không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm, không dạy trước chương trình.
Quy định cũng nêu rõ, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp DTHT phải có học lực tương đương nhau.
Những tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng kí và xin phép tổ chức hoạt động DTHT.
Việc tổ chức DTHT trong nhà trường phải tuân thủ các nguyên tắc: Học sinh có nguyện vọng học thêm phải có đơn tự nguyện. Hiệu trưởng tiếp nhận và tổ chức phân nhóm lớp theo học lực và bố trí giáo viên đúng chuyên môn. Đồng thời, giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký.
Còn đối với việc tổ chức DTHT ngoài nhà trường quy định cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân phải được cấp giấy phép hoạt động DTHT.
Ngoài quy định thống nhất về mức thu và quản lý tiền học thêm trên toàn quốc, quy định này cũng phân định rõ trách nhiệm quản lý DTHT của các cấp chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã....
Những hoạt động bồi dưỡng, dạy thêm không thu tiền nằm ngoài kiểm soát của quy định này.
Giáo viên không trực tiếp thu chi tiền học thêm
- Thưa ông, với những trường hợp vi phạm quy định DTHT thì hình thức xử lý như thế nào?
TS Vũ Đình Chuẩn: Quy định nêu rõ việc xếp lớp và phân công giáo viên giáo viên phụ trách theo nhóm lớp là việc của Hiệu trưởng. Việc chia nhóm lớp học sinh yếu kém chúng tôi quy định đối với hình thức dạy thêm có thu tiền. Còn việc phụ đạo cho học sinh yếu kém trong trường là việc làm của nhà trường.
Việc xử lý vi phạm được tuân thủ theo Nghị định 49 của Chính phủ về xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức xử lý phù hợp. Mặt khác, người đứng đầu cơ quản "anh" quản lý giáo viên, cấp phép dạy thêm cho giáo viên...thì phải có trách nhiệm quản lý.
Tuy nhiên, bây giờ nói mức xử lý cụ thể thì chưa thể nói được vì còn tùy mức độ vi phạm. Quy định có hiệu lực thì Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh kiểm tra để kíp thời phát hiện sai phạm và có chấn chỉnh. Việc xử lí sai phạm sẽ thực hiện theo phân cấp trên cơ sở kiến nghị của Bộ.
- Thông tư quy định mức thu thống nhất toàn quốc sẽ không phù hợp bởi thu nhập giữa các vùng miền có sự chênh lệch đáng kể?
TS Vũ Đình Chuẩn: Ở đây quy định mức thu thống nhất toàn quốc chứ không đưa ra mức cụ thể Hà Nội bao nhiêu, Lai Châu bao nhiêu...Bộ GD-ĐT chỉ ban hành quy định mang tính nguyên tắc, không nên quá cụ thể cho từng địa phương theo các ý kiến chúng tôi tiếp thu lấy góp ý cho dự thảo.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Đoàn Văn Ninh: Có ý kiến hỏi thu và quản lý tiền học thêm như thế nào? thì điều 7 của Thông tư quy định rất rõ đối với DTHT trong nhà trường: thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý DTHT của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở phục vụ DTHT. Không lấy tiền DTHT để chi trả cho những mục đích khác.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Do đó từng tỉnh sẽ có quy định mức thu khác nhau.
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh quyết toán tiền học thêm thông qua tài vụ của nhà trường. Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu chi tiền học thêm. Đây là điểm mới so với quy định trước.
Cấm thầy làm "ông bầu"
- Bộ GD-ĐT giải thích rõ quy định với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nêu rõ: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Việc "tổ chức" khác gì với "tham gia" khi Bộ đã đưa vào quy định cấm?
Phó Vụ trưởng Đoàn Văn Ninh: Nội dung này là phần khó khăn nhất khi dự thảo, và cũng là nội dung khó khăn nhất khi xin ý kiến và quyết định ban hành. Trong quy định những trường hợp không được dạy thêm thì điều nhạy cảm nhất là khoản 4.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nêu rõ: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường có 2 việc để đưa quy đinh. Thứ nhất không tổ chức DTHT - là những người tự đứng ra tổ chức và thu tiền ngoài quy định. Có thực tế, không phải thầy dạy toán chỉ dạy thêm toán mà thầy còn kinh doanh các môn khác. Thứ hai, điều này đưa ra để cấm việc thầy đứng là làm "ông bầu" tổ chức dạy thêm ngoài môn mình dạy.
Hạn chế được điều này sẽ hạn chế được việc tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, không phải thầy tổ chức dạy mà còn kinh doanh dạy thêm. Ý nghĩa của việc "không tổ chức dạy thêm" ở chỗ này, nhưng có thể tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phù hợp với luật viên chức. Ngoài giờ làm việc có thể tham gia dạy thêm chứ không được tổ chức.
Còn quy định "không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó...." thì khó hơn - phải là người trong nhà trường mới hiểu. Quy định này xuất phát từ chuyện trong lớp mà giáo viên bằng cách này hay cách khác bắt học sinh đi học thêm. Nhưng cũng có chuyện, cô giáo giỏi thật, học sinh muốn học thật nhưng phải học cô khác không đúng chuyên môn. Cho nên quy định mới nêu rõ "phải được phép của Thủ trưởng cơ quan" để giám sát chặt hơn, đảm bảo quyền lợi người học.
- Để biện pháp xử lý mang tính chất răn đe thì Bộ GD-ĐT cho biết những trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự?
TS Vũ Đình Chuẩn: Xử lý vi phạm hành chính đã quy định mức độ nào thì có mức xử cụ thể. Còn xử lý hình sự trong trường hợp người dạy thêm chống đối người thi hành công vụ. Quy định phân định rõ xã phường có trách nhiệm trong việc xử lý đối với trường hợp dạy thêm không đăng ký, gây ồn ào mất trật tự gây ảnh hưởng phố xóm. Cho nên người dạy thêm phải có những cam kết cụ thể....
Kiều Oanh (Ghi)
4 trường hợp không được dạy thêm
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN và trường dạy nghề không tổ chức DTHT các nội dung theo chương trình THPT.
4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập quy định nêu rõ: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Đồng thời, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Theo Vietnamtimes.net.vn