Mùa Xuân là mùa của lễ hội. Cùng với cả nước, huyện Đô Lương lại tưng bừng tổ chức các lễ hội, tạo thành nét đẹp văn hóa tâm linh vào dịp đầu Xuân. Một trong những điểm đến linh thiêng đó là đền Đức Hoàng ở xã Yên Sơn, Đô Lương.
Trong cơn mưa phùn của mùa Xuân, chúng tôi có dịp đến với đền Đức Hoàng, xã Yên Sơn, Đô Lương. Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày khai mạc lễ hội đền Đức Hoàng năm 2012. Ban quản lý di tích đang tất bật chuẩn bị mọi thứ từ đồ tế lễ, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu thể dục thể thao. Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Hoàng Văn Khuyến ở xóm Yên Quang, Yên Sơn vẫn đều đặn đến dự cuộc họp cùng Ban quản lý di tích để chuẩn bị lễ hội vào ngày 16 tháng Giêng. Thấm thoắt đã gần 10 năm ông gắn bó với ngôi đền. Ông Khuyến cho biết: “Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng giêng toàn xã tổ chức lễ hội rất trang trọng và vui tươi. Nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến tế lễ cùng như vui chơi rất đông. Ngoài phần lễ ra còn tổ chức các trò chơi dân gian như: kéo co, chọi gà, thi đấu cờ thẻ.”
Ngược dòng lịch sử, đền Đức Hoàng là nơi thờ tự vua Lê Trang Tôn và các vị thần linh, những người đã có công lao to lớn trong việc khai khẩn đất đai, dẹp loạn ngoại xâm, chấn hưng đất nước thời hậu Lê; tạo điều kiện cho muôn dân có cuộc sống ổn định, bình an. Từ thời Lê, nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ rước kiệu từ đình Long Thái, xã Thái Sơn về đền Đức Hoàng vào ngày rằm tháng giêng; tạo thành một ngày hội lớn của nhân dân Đô Lương. Năm 1996, đền Đức Hoàng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Trong những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo di tích đền Đức Hoàng được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân quan tâm thường xuyên. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính. Hiện nay, đền có hai khu đền thượng và đền hạ, đền thượng gồm 3 gian, đền hạ 5 gian, các hoa văn với các hình rồng phượng trên các cột, kèo được chạm trổ một cách tinh xảo.
Trò chơi dân gian đẩy gậy
Hằng năm, đền Đức Hoàng đã trở thành một điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Trong tâm thức của mỗi người khi đến với đền Đức Hoàng đều bày tỏ niềm tôn kính sâu sắc, ghi nhớ công lao của các bậc ông cha trong việc xây dựng, bảo vệ tổ quốc và gửi gắm mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc. Đây cũng chính là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc. Để lễ hội đền Đức Hoàng năm 2012 được tôn kính, trang nghiêm, an toàn và thu hút nhân dân đến với lễ hội, UBND xã Yên Sơn đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nói về công tác chuẩn bị cho lễ hội đền Đức Hoàng năm nay, đồng chí Hoàng Văn Kiên-Phó chủ tịch UBND xã Yên Sơn cho biết: “Để lễ hội đền Đức Hoàng năm 2012 được tôn kính, trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm và thu hút nhân dân đến với lễ hội, UBND xã đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Năm nay ngoài phần lễ thì phần hội xã sẽ tổ chức với các trò chơi dân gian, các môn thể thao trong ngày rằm tháng giêng, đảm bảo tâm linh và vui tươi cho nhân dân và du khách.”
Sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cũng như các cấp chính quyền và nhân dân hứa hẹn một mùa lễ hội đền Đức Hoàng năm 2012 sẽ diễn ra trang nghiêm và vui tươi lành mạnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống tâm kinh của nhân dân Đô Lương vào đầu xuân Nhâm Thìn.
Doãn Hòa