20:29 EST Chủ nhật, 08/12/2024 Nghệ An: Ngày 14/9/2017, Bộ GD&ĐT, Tổ chức UNESCO và Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức Chiến dịch truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động tại nhà trường và cộng đồng, tại trường THCS Kim Liên - Nam Đàn. | Quyết tâm thư của học sinh trong ngày Khai giảng | Quyết tâm thư của giáo viên nhân trong ngày Khai giảng | Công tác tháng 9 | Diễn văn Khai giảng năm học 2013-2014 | Thư Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới 2013 - 2014 | Kế hoạch tháng 8/2013 | Trường THCS Hồ Tông Thốc | Yên Thành: 110 em được trao học bổng quỹ "Vì trẻ em Việt Nam | “Búp bê vàng” của quê lúa Yên Thành | 

DANH MỤC

LIÊN KẾT WEBSITE

QUAN TÂM NHIỀU NHẤT

Trang nhất » Tin Tức » Tin tức nổi bật » Tin Tổng hợp

Chuyện thầy Khiêm khuyết tật

Thứ tư - 28/12/2011 03:56
Đi về phía núi Hòn Ông, nơi có xã nghèo Canh Hiển của huyện vùng cao Vân Canh (Bình Định), dáng thầy Khiêm xiêu vẹo trên đường làng. Theo đôi nạng gỗ của thầy là học trò lớn nhỏ đủ lứa tuổi. Học sinh thì đến luyện thi, người lớn học tin học, người khuyết tật học nghề...
Đã bao nhiêu năm nay thầy dang đôi tay che chở, chắp cánh cho những thân phận, những ước mơ.
 
Nguyễn Trần Khiêm sinh năm 1966, lên 7 tuổi thì cha mất, hình ảnh chưa kịp ghi vào ký ức. Thầy Nguyễn Trần Khiêm cố lục tìm quá khứ: “Tôi chỉ nhớ lúc nhỏ mình không có cha, cứ lê lết chứ không đi lại được. Mẹ kể lại đôi chân tôi bị liệt từ khi còn nhỏ”. Cuộc đời thầy Khiêm bắt đầu như thế, không có bước chân chập chững, chỉ có đôi nạng lộc cộc chấm những bước xiêu vẹo trên đường đời.
 
Kiến thức là mồ hôi nước mắt của mẹ
 
Lúc nhỏ Khiêm cũng đòi mẹ cho đi học. Không hi vọng nhiều nhưng muốn con mình hòa nhập với bạn bè, hằng ngày trước khi ra đồng, người mẹ phải làm đôi chân cõng con đến lớp. Không ngờ Khiêm lại rất sáng dạ. Thấy con học được, người mẹ nghèo cũng quyết chí chăm cho con học đến cùng. Lên được vài lớp, Khiêm tự đi được với đôi nạng bé xíu. Giải thoát đôi lưng gầy gò của người mẹ là niềm vui của Khiêm. Đi nạng mỏi, Khiêm lết. Cứ thế 12 năm học phổ thông nhọc nhằn trôi qua, Khiêm thường xuyên đạt học sinh giỏi và thủ khoa môn văn (9 điểm) khi thi tốt nghiệp THPT năm 1986.
 
Nhưng cuộc đời không thể bằng phẳng khi chính đôi chân lại gập ghềnh. Đến năm 1992 anh mới được dự thi đại học do định kiến xã hội. Học năm cuối thì mẹ bị bệnh mất, anh sinh viên nghèo mồ côi vẫn không gục ngã. Anh làm gia sư, đánh máy vi tính tự nuôi sống mình. Có chú sửa đồng hồ gần nhà trọ thấy thương quá nên gọi Khiêm đến truyền nghề. Từ đó anh có nghề mới mưu sinh để tiếp tục học. Năm 1997, anh tốt nghiệp hệ chính quy Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong sự ngỡ ngàng của xóm nghèo mà việc học hết phổ thông đã là xa xỉ đối với người bình thường.
 
Không thể gõ cửa cơ quan bằng đôi nạng gỗ, anh lặng lẽ ở nhà thêm sáu năm nữa. Cuộc đời quá nhiều gian truân nhưng không vì thế mà buông xuôi. “Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó, không thể để kiến thức học được phung phí vì đó là mồ hôi và nước mắt của mẹ, của chính mình” - anh tâm sự.
 
Từ chiếc máy tính cà khổ đến cơ sở dạy vi tính
 
Vậy là anh quyết định gọi học sinh nghèo quanh xóm đến để dạy. Học trò nghe tiếng đến học đông, anh sinh viên tật nguyền thất nghiệp trở thành người thầy ở xóm nghèo heo hút.
 
Lân la ở nhà thầy Khiêm mấy ngày, tôi nhận ra “học phí” đóng cho thầy là vài cân gạo, rổ khoai hay mấy bó rau rừng chính học trò đi chăn bò hái về. Ngồi nấu nồi khoai học trò vừa đem tới, thầy tâm sự: “Chủ yếu là dạy miễn phí vì thấy các em nghèo quá, mình chỉ muốn giúp các em có kiến thức để vượt qua cái nghèo thôi”. Thầy nói thế nhưng trong căn nhà vách tường rách nát chưa có tiền vá víu, chính thầy cũng chạy ăn từng bữa.
 
Nhiều học trò ở vùng núi đi lại khó khăn nên đến thầy học cả ngày, trưa lấy gạo nấu cơm ăn. Mùa vừa rồi gặt được 16 bao lúa nhưng giờ chỉ còn một bao để ở góc nhà, 15 bao học trò đường xa đói quá đã nấu hết. Nhà thầy như một ngôi trường tình thương, học trò xúm xít.
 
Nương tựa nhau trong cái nghèo cũng là bài học về cuộc sống. Nhiều em cảm nhận được trăn trở, lòng yêu thương và tấm gương nghị lực của thầy nên cố gắng học. Nhờ vậy nên ngày càng có nhiều học sinh của vùng đất nghèo này bước chân vào cổng trường ĐH.
 
Dành dụm được bao nhiêu tiền, thầy Khiêm mua dần khi thanh ram, lúc con chuột, rồi bàn phím... Gom góp dần đến năm 2005, thầy ráp được chiếc máy tính đầu tiên. Chiếc máy tính có ổ cứng chỉ 2,5GB, thanh ram 128MB, bật lên khi chạy khi treo nhưng nó đánh dấu mốc cho cuộc đời thầy. Thầy kể: “Lúc đó nhiều người thấy tôi có máy vi tính kéo đến xem. Ban đầu chỉ vài người đến học đánh chữ, sau nhu cầu lớn dần nên tìm cách sắm thêm để dạy cho họ”.
 
Sáng kiến của thầy là đi mua lại máy tính ở vựa đồng nát về tận dụng, lắp ghép, sửa chữa. Lịch sử của nhiều máy tính ra đời trong hoàn cảnh như thế, nhưng giờ đã là một cơ sở đào tạo tin học liên kết với Trường trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ của Sở Lao động - thương binh và xã hội hẳn hoi.
 
Học trò của thầy đủ đối tượng, từ học sinh đến cán bộ, con em đồng bào Ba Na, H’Re, cả nông dân cũng đến học để ứng dụng công nghệ trong sản xuất.
 
Anh Xô Y An (người Ba Na), giáo viên dạy mỹ thuật ở Trường bán trú Canh Liên, vượt hơn 50km đường rừng đến thầy học tin học lớp chứng chỉ A, cho biết: “Đường đi cực nhọc lắm, mưa thì không đi được, đến đây học có khi ở lại ngủ nhà thầy luôn. Thầy rất vui vẻ, nhiệt tình tạo điều kiện cho chúng tôi. Nếu không có cơ sở của thầy thì chúng tôi phải đi thêm gần 50km nữa mới có chỗ học”.
 
Hiện nay cơ sở của thầy đã có trên 10 máy, tuy tốc độ không nhanh nhưng máy vẫn chạy, như cuộc đời thầy vẫn luôn vươn lên trong khó nhọc.
 
Tổ ấm cho người khuyết tật
 
Nhưng đối tượng đặc biệt mà thầy chuyên tâm đó là những người khuyết tật. Có người không tự đi được phải cõng, thậm chí mù, câm điếc, không biết chữ... thầy đều nhận. Họ đến với thầy để tìm chỗ dựa tinh thần, tìm cơ hội hòa nhập cộng đồng. Năm 2007, thầy vận động và tìm đến Hội Bảo trợ trẻ tàn tật và mồ côi tỉnh Bình Định xin thành lập chi hội người tàn tật để có cơ sở pháp lý tìm nguồn tài trợ, tìm việc làm cho hội viên. Có chi hội, công việc thầy bề bộn hơn với những ngày đi vận động, kêu gọi những tấm lòng nhân ái tài trợ giúp đỡ những cảnh đời không may mắn.
 
“Mình không thể cho họ “con cá” mãi mà phải cho “cần câu” để họ tự mưu sinh”, quan điểm đó của thầy được hiện thực hóa qua các lớp học. Thầy dạy họ sử dụng máy vi tính và vận động gia đình góp vốn mở các cơ sở làm dịch vụ tự kiếm sống. Ai không học được vi tính thì thành lập các nhóm lao động chân tay. Nhóm làm chổi đót, thợ mộc ở tại nhà thầy hình thành. Họ được làm việc trong một cộng đồng gồm những người đồng cảnh nên không bị rào cản bởi những tự ti, mặc cảm.

 
Thầy Khiêm hướng dẫn một thanh niên người Ba Na học vi tính.
 
Để dạy được một người khuyết tật ra nghề là một công việc không phải ai cũng làm được. Như gia đình Đào Thị Lệ Diễm có ba người khuyết tật, bản thân Diễm bị liệt hai chân, ít dám ra khỏi nhà và sợ chỗ đông người. Nhiều lần thầy đến tâm sự, lấy bản thân mình ra làm gương. Dần dần Diễm nghe rồi làm theo. Bây giờ Diễm là tổ trưởng một tổ có sáu người khuyết tật cùng làm ở một cơ sở photocopy, vi tính do thầy vận động vốn tài trợ mở. Diễm tâm sự: “Nếu không có thầy Khiêm chắc mình không biết gì ngoài xã hội, không biết đường phố hay chợ chứ đừng nói gì đi học mà làm nghề. Thầy Khiêm như một người cha nuôi của rất nhiều người trong hội”.
 
Kỹ năng dạy người câm điếc, người mù còn thiếu, thầy đến các trung tâm bảo trợ xin tài liệu, xin tham gia các lớp tập huấn để đào tạo nghề cho họ. “Dạy cho người mù, câm điếc rất khó, nhiều người không biết chữ, lại không nhìn thấy, không nghe được. Một số em gia đình đưa đến gửi nhưng còn tự ti hoặc bướng bỉnh, quậy phá chứ ít muốn học hay làm việc. Tuy nhiên tôi có lợi thế là người khuyết tật, người đồng cảnh ngộ nên dễ nói với nhau hơn”.
 
Ra nghề, có người tự đi lại được thì xin đến điểm Internet làm, nhóm thợ mộc đến các xưởng mộc, họ tự kiếm sống bằng đôi tay không lành lặn. Nhiều người học thành nghề nhưng không có vốn mở cơ sở, thầy gom góp được ít tiền ráp máy vi tính cũ cho vài người ra riêng đánh máy thuê như những đứa con lớn lên tách riêng khỏi mẹ. Để có khách hàng, thầy đến vận động, tiếp thị các cơ quan, trường học trên địa bàn. Thấy thầy làm việc không vụ lợi cá nhân, ai cũng ủng hộ.
 
Năm 2011, thầy trở thành thầy giáo thật sự khi Trường trung cấp nghề Thủ công mỹ nghệ của Sở Lao động - thương binh và xã hội hợp đồng mở cơ sở tin học đào tạo cho cán bộ, người dân trên địa bàn huyện Vân Canh.

Tác giả bài viết: Trường Đăng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn